Đào tạo từ xa tại Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh


VÀI NÉT VỀ TRUNG TÂM ĐÀO TẠO TỪ XA

Bên cạnh hình thức đào tạo chính quy đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép ở tất cả các bậc học, từ đại học cho đến tiến sĩ, Trường Đại học Mở TP.HCM từ lâu đã là trung tâm đào tạo từ xa lớn nhất cả nước ở phía Nam với khoảng hai thập kỷ kinh nghiệm đào tạo từ xa. Từ năm 1996, Trung tâm Đào tạo từ xa được thành lập để đảm nhận nhiệm vụ mở rộng và phát triển hoạt động đào tạo từ xa của Trường càng ngày càng chuyên nghiệp, giúp người học có hình thức học tập linh hoạt phù hợp với điều kiện, thời gian của mình và đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. 
 
Trường Đại học Mở TPHCM là trường đại học công lập đa ngành theo định hướng ứng dụng. Với 25 năm hình thành và phát triển, Trường đã trở thành cơ sở đào tạo có uy tín trong các trường đại học tại TP.HCM, với 17 ngành đào tạo với bậc học từ đại học đến tiến sĩ. Đặc điểm của Trường là bên cạnh phát triển chương trình đào tạo chính quy mạnh mẽ như trên, Trường còn thực hiện sứ mạng xã hội học tập qua hình thức đào tạo từ xa.
Trường Đại học Mở TPHCM là cơ sở đào tạo tiên phong trong lĩnh vực đào tạo từ xa. Từ năm 1993, Trường (lúc đó mang tên Viện Đào tạo Mở rộng) đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí điểm chương trình đào tạo từ xa, ngành Quản trị kinh doanh. Hơn hai mươi năm phát triển hoạt động đào tạo từ xa, Trường đã trở thành một cơ sở đào tạo từ xa hàng đầu tại khu vực phía Nam, với các thành quả nổi bật sau:
  • Về quy trình đào tạo, Trường đã thành lập Trung tâm đào tạo từ xa từ năm 1996 với số lượng chuyên viên hơn 30 người. Hoạt động đào tạo bao gồm việc lập kế hoạch đào tạo, triển khai đào tạo theo tín chỉ, kiểm tra đánh giá và cấp bằng tốt nghiệp ngày càng chuyên nghiệp như đào tạo chính quy. Đặc biệt, Trường đã cung cấp học liệu cho toàn bộ sinh viên đào tạo từ xa, xây dựng ngân hàng đề thi và tổ chức giám sát thi cho toàn bộ các điểm thi.
  • Về chương trình đào tạo, Trường có 13 ngành (với 27 chuyên ngành) đã triển khai đào tạo từ xa và vừa làm vừa học bậc đại học, bao gồm các ngành khối kinh tế quản lý (quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán kiểm toán, kinh tế luật, quản lý xây dựng), khối kỹ thuật công nghệ (xây dựng, khoa học máy tính, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ sinh học) và khối ngành xã hội (luật kinh tế, xã hội học, công tác xã hội, ngôn ngữ Anh).
  • Về quy mô đào tạo, ngoài đào tạo cơ sở của trường, Trường có hơn 40 đơn vị liên kết từ Bình Định đến Cà Mau trong đó có nhiều đơn vị có hàng ngàn sinh viên. Tổng số sinh viên đang theo học ở Trường hiện nay hơn 27.000 sinh viên, trong đó hơn 20.000 sinh viên hình thức đào tạo từ xa và 7.000 sinh viên các chương trình vừa làm vừa học.
  • Về giảng viên, Trường đã từng bước hình thành đội ngũ giảng viên cơ hữu hơn 400 người, trong đó có hơn 100 tiến sĩ. Trường cũng củng cố mạng lưới đội ngũ giảng viên thỉnh giảng có chất lượng từ doanh nghiệp và các trường bạn.
  • Về phương thức đào tạo, Trường chủ trương sử dụng nhiều phương thức linh hoạt để đáp ứng yêu cầu của người học. Bên cạnh việc tổ chức học tập theo hình thức hỗn hợp (cung cấp học liệu và tổ chức ôn tập), Trường còn cung cấp các chương trình học qua đài phát thanh từ năm 1997 và chương trình học qua cầu truyền hình trực tiếp từ năm 2009. Hiện nay, Trường đang xây dựng và đưa vào chương trình học qua mạng internet.
  • Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo từ xa, Trường là thành viên của nhiều hiệp hội các trường đào tạo từ xa trên thế giới như AAOU, ICDE, SEAMOLEC…
  • Về thành quả đào tạo, cho đến nay đã có khoảng 40.000 sinh viên ra trường, nhiều sinh viên thành công trong cương vị lãnh đạo các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể và doanh nghiệp. Nhiều sinh viên tốt nghiệp từ chương trình đào tạo từ xa và vừa làm vừa học tiếp tục học tiếp ở các bậc học sau đại học.