»Sự kiện »Giao lưu khởi nghiệp với sinh viên

Giao lưu khởi nghiệp với sinh viên


Những kinh nghiệm trong khởi nghiệp của các doanh nhân có lẽ là những giá trị rất hữu ích. Áo xanh Ou thân gửi đến các bạn cùng xem lại những chia sẻ này nhé.

Một trong những nội dung rất quan trọng được nhiều bạn trẻ nóng lòng chờ đợi, là được học hỏi những kỹ năng khởi nghiệp một cách ngắn gọn, cụ thể. Ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch HĐQT Trí Tri Group, Chuyên gia tư vấn cao cấp về Quản trị Doanh nghiệp, Kinh doanh, Đào tạo và Phát triển Con người đã  thuyết trình, chia sẻ về kỹ năng Khởi nghiệp . Ông Chiến đến với buổi giao lưu bằng sự mở đầu khá cởi mở khi đưa ra các câu hỏi như: Bao nhiêu người ở đây mong muốn khởi nghiệp như là khởi phát một sự nghiệp, một DN? Khi có khoảng 100 sinh viên giơ tay tán thành với ý kiến đến để được chia sẻ kinh nghiệp khởi nghiệp, thầy Chiến cho rằng thực ra điều đó cũng không có gì là lạ. Ở phương Tây, cũng với chủ đề này và theo một khảo sát tôi đã tìm hiểu trước đây có tới 53,6% bạn trẻ thích khởi nghiệp. Vậy thì thông thường khởi nghiệp các bạn bắt đầu bằng việc gì? Xin tiền cha, mẹ? Hay lấy tiền để dành làm vốn rồi lấy chứng minh, hộ khẩu để đăng ký hay khởi nghiệp bằng cách nào? Thực tế có rất nhiều bạn muốn khởi nghiệp nhưng các bạn không sẵn sàng cho một mục tiêu và một lộ trình có thể quản lý được. Khi các bạn có mong muốn khởi nghiệp tức là khi các bạn dám dấn thân vào thương trường thì việc đầu tiên rất quan trọng đó là cần phải hiểu được, xác định được thị trường mình tham gia là thị trường gì? Và thông thường thị trường của các bạn nó thể hiện được dung lượng, nhu cầu thị trường hay sản lượng doanh số thông qua cách test này, và ở trên này nó sẽ phân thành các phân khúc thị trường. Mỗi phân khúc cấp cao, trung bình và cấp thấp nó sẽ được phân bằng các nhóm A, B, C, D, E, F vậy các bạn cần phải nghiên cứu thị trường để mình hiểu rằng cái test của mình ở đâu để mình tham gia phù hợp nhất, để mình tham gia vào thị trường như một chuyên gia quốc tế…

 

Ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch HĐQT Trí Tri Group, Chuyên gia tư vấn cao cấp về Quản trị Doanh nghiệp, Kinh doanh, Đào tạo và Phát triển Con người đang chia sẻ về kỹ năng Khởi nghiệp

Nếu các bạn dấn thân vào kinh doanh thì đây là con đường cực kỳ thử thách cực kỳ chông gai. Nhưng với sức trẻ, khát vọng, trí óc của mình các bạn muốn lập nghiệp, muốn trả lương cho người khác thì sẽ có thể thành công. Kỹ năng đầu tiên SV cần phải làm đó là hiểu thị trường, xác định được đúng vị trí mình có thể tham gia vào. Những cái gì mình không can thiệp được thuộc về yếu tố khách quan, ngược lại cái gì mình can thiệp, tác động được nó thuộc về yếu tố chủ quan. Nếu thuận là mạnh còn không thuận thì là yếu.

 

 

Ông Chiến cũng nhấn mạnh: “Người làm khởi nghiệp phải có mong muốn, có giá trị đạt được, thời gian, thời hạn. Phải tổng hợp được 3 yếu tố này vì có rất nhiều người ngã ngựa tức là chỉ có những mong muốn chứ không đạt được mục tiêu, không hiểu được giá trị bao gồm cả giá trị vô hình, hữu hình và không quản lý được thời gian. Thành ra vốn của mình có tiền trong nhà như gà trong chuồng, nếu không khéo, các bạn thả gà rồi rượt bắt thì các bạn sẽ trầy trụa  mới nắm được túm lông gà. Vì vậy, thứ nhất, các bạn phải làm sao dẫn dắt được những đồng nghiệp cấp dưới của mình đi theo con đường có đạo lý, đạo lý ở đây bao gồm cả thời gian và cố gắng tạo ra sự tích cực cho xã hội: tức là sản phẩm của mình không làm ô nhiễm môi trường. Thứ nhì, các bạn phải thuyết phục được đối tác của mình bỏ tiền ra đồng hành cùng với mình, và thứ 3 cần phải tâm lý: có chung mục tiêu nhưng với từng đối tượng có học vấn, văn hóa khác nhau nên cần phải có tâm lý để cư xử với họ cho phù hợp”
Sau phần thuyết trình, đã có 3 câu hỏi dành cho ông Lý Trường Chiến chủ yếu tập trung vào vấn đề môi trường và điều kiện Khởi nghiệp hiện nay. Điều đó cho thấy đối với các bạn trẻ, Khởi nghiệp không phải là một câu chuyện quá xa vời mà các bạn đã và đang quan tâm thực sự đến vấn đề, cũng như khó khăn của nền kinh tế và sự “ngã ngựa” của nhiều doanh nghiệp thời gian qua không làm các bạn nhụt chí.

 

 

 

Các doanh nhân, khách mời tại buổi giao lưu: Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT – TGĐ ThuducHouse; ông Nguyễn Hoài Nam, P.TGĐ Vietcapital Bank; ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT – TGĐ Tập đoàn Liên Thái Bình (từ trái qua phải)

Không khí bắt đầu nóng lên khi chương trình bước vào nội dung chính: Giao lưu khởi nghiệp. Khách mời của buổi giao lưu là ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Liên Thái Bình DươngNguyễn Hoài Nam, P.TGĐ Ngân hàng Bản Việt – VietCapital Bank; Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức – ThuDucHouse.  Đây là ba doanh nhân thành đạt ở trong các lĩnh vực Đầu tư, Tài chính, Bất động sản, Hàng không – Dịch vụ Du lịch và Tiêu dùng. Họ là những gương mặt khá tiêu biểu cho hành trình lập nghiệp của các doanh chủ đi lên từ 2 bàn tay trắng

Trong phần giao lưu, khi MC vừa dứt lời: “Xin mời câu hỏi đầu tiên”, không một chút ngại ngùng, đã có rất nhiều cánh tay giơ lên. Và cả ba doanh nhân cùng nhận chung một câu hỏi: Quá trình khởi nghiệp của các ông có những khó khăn gì và các ông đã rút ra được những kinh nghiệm gì?. Trước câu hỏi này, doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn chia sẻ câu chuyện về cuộc đời ông- Câu chuyện mà theo ông thì: Tôi chưa từng kể cho bà xã cũng như con gái tôi nghe bao giờ. Ông Hạnh nói: Trong một lần phóng viên của đài HTV đã phỏng vấn tôi: “Anh Hạnh, anh trả lời thế nào câu có bột mới gột lên hồ của người Á châu chúng ta?”, thì tôi trả lời 2 ý: Thứ nhất có một chút bột mà đòi gột lên hồ thì VCCI đã làm, điều tôi mới phát hiện ra và rất hoan nghênh chương trình này là VCCI đã tạo nên được một chương trình với hơn 2.000 dự án cho sinh viên khởi nghiệp trên khắp mọi miền đất nước. Tôi và công ty tôi xin phép đóng góp 100 triệu vào quỹ này và tặng thêm số tiền đó nữa vào quỹ học bổng của trường đại học Mở. Đó là trả lời cho ý 1 câu chuyện có bột mới gột lên hồ.

 

Còn ý thứ 2 nếu không có bột làm sao mà gột lên hồ, đó là cả một câu chuyện dài. Khi còn là sinh viên ở trường đại học Seatle, Mỹ, tôi phải đi học, một thân một mình ở xứ người  không có bà con để mượn tiền, tôi đã phải đi làm 3, 4 nghề để có thể tự nuôi sống bản thân và có tiền lên giảng đường. Trời đông giá lạnh chúng tôi phải chấp nhận  rửa xe để có tiền đóng tiền học và tôi tiếp tục đi làm đủ nghề để mưu sinh như làm thêm cho nhà máy cao su…Tiết kiệm được một chút, tôi ra trường và lúc ra trường rồi tôi mua được một chiếc xe đi làm. Lúc đó có tiền tôi cố gắng để tiết kiệm. Mọi người lập nghiệp còn có các Công ty, các mạnh thường quân giúp đỡ nhưng bản thân tôi lập nghiệp từ tay trắng và hiện nay tài sản là hơn 500 triệu USD, quá trình này rất là gay gắt. Tôi xin nhắn nhủ các bạn đừng phí thời gian mà ngồi quán cà phê, cái gì đóng góp cho xã hội không chỉ là tiền bạc mà những việc làm tốt cho xã hội thì nên đóng góp. Đơn cử như việc gom giấy vụn bán cho các nhà máy giấy để lấy tiền phục vụ cho công tác xã hội sẽ tạo ra tiền đề tốt cho quá trình xin việc sau này. Khi đi xin việc, nhà tuyển dụng họ sẽ căn cứ vào quá trình đi làm thêm của các bạn cũng như những đóng góp cho cộng đồng, xã hội sẽ được đánh giá cao hơn những bạn chỉ có tấm bằng mà chưa từng làm thêm gì trong quá trình đi học. Theo tôi tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ của chúng ta, nhưng tiếng Anh rất quan trọng khi khởi nghiệp bởi vì các bạn đã chọn môi trường đại học rồi, các bạn đã chọn con đường mà chúng ta đi phải là những người không có học hành, không có kiến thức hay là chưa được đào tạo. Hãy nhân cơ hội đó, các bạn hãy tranh thủ học hỏi những kiến thức từ thầy cô và bạn bè để áp dụng những kiến thức đó vào cuộc đời của các bạn đôi khi không được như mong muốn, đôi khi chỉ được tới 20-30% thôi.

Những kinh nghiệm đó chúng ta phải học ở trường đời, những kinh nghiệm đó chúng ta phải cố gắng vươn lên từ những việc mà chúng ta cứ nghĩ đơn giản. Với tôi ban đầu tôi phải đi làm thuê để tích lũy kinh nghiệm ngay cả việc tôi đã từng làm cho hãng Boing là một hãng sản xuất máy bay rất lớn ở Mỹ sau đó chúng tôi đã phải bỏ hãng Boing khiến tất cả mọi người ngạc nhiên nhưng đó là cách tôi khởi nghiệp. Sau gần chục năm trời mày mò, làm thuê có được số tiền tôi mở một cửa hàng bán tạp hóa, bán đồ điện tử… chúng tôi phải lái xe mỗi ngày 12 tiếng để lấy hàng về bán. Sau đó có một số vốn chúng tôi mở một dịch vụ khác nữa rồi đưa dịch đó về kinh doanh tại Philiphin, rồi về VN để có được như ngày hôm nay là một sự thành công mà tôi nghĩ rằng là không bột vẫn gột lên hồ mà sự thành công này tôi đã phải mất đi 30 năm. Tôi nghĩ là các bạn những lợi thế hơn có sự hỗ trợ của VCCI, của nhà trường… vì hiện nay xã hội đã phát triển hơn nhiều có nhiều điều kiện để mở rộng việc giao thương sẽ dễ dàng khởi nghiệp hơn thế hệ chúng tôi.

 

 

Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn tặng cho chương trình Khởi nghiệp 100 triệu đồng, tặng Qũy khởi nghiệp Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh 100 triệu đồng

 

Doanh nhân Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức – ThuDucHouse trao 100 triệu đồng cho ông Lại Hợp Nhân–Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Tổng Thư ký chương trình Khởi Nghiệp

 

Ngân hàng Bản Việt tặng10 suất học bổng dành cho các bạn sinh viên học giỏi và Đoàn viên xuất sắc của Trường ĐH Mở Tp HCM

 

Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam: Tôi đi du học ở Mỹ và cũng không có bà con nào cả trong suốt 9 năm đại học, và việc học bị gián đoạn phải mất 6 năm mới hoàn thành xong chương trình. Trong thời gian đi học tôi có làm cho một nhà hàng VN ở Mỹ, khu đó có nhiều công ty nổi tiếng tại đây, họ tới nhà hàng đông và phải xếp hàng chờ khá lâu, nhiều khi họ ngồi xuống chưa kịp ăn thì đã hết giờ phải vào làm việc tiếp. Tôi nhận thấy nhu cầu về được ăn những món ăn ngon và lúc đó gặp anh bạn làm trong một công ty về CNTT thì tôi bàn là tại sao mình không tổ chức công ty có thể giao món ăn cho các DN lớn như vậy. Lúc đó tôi và người bạn đã thành lập công ty “bồi bàn trên bánh xe”,  tức là chúng tôi chạy xe hơi đến những nhà hàng sang trọng và đặt đồ ăn cho những nhà hàng sang trọng, đó từ đó giúp chúng tôi có tiền trang trải cho cuộc sống và học tập. Năm 2006 sau khi tốt nghiệp tôi về VN, sau khi thanh toán hết các khoản tôi còn được 70 triệu, lúc đó tôi làm cho công ty cổ phần chứng khoán bản việt TP HCM với vị trí là chuyên viên tư vấn. Mặc dù tôi có bằng kinh tế tại một trường đại học ở Mỹ nhưng công ty chứng khoán Bản Việt vẫn chỉ dành cho tôi 1 vị trí là thực tập viên vì họ nói tôi học ở bên Mỹ,  không được học về chứng khoán ở VN nên họ bắt tôi học 3 tháng với mức lương là 600.000 đồng cộng thêm trợ cấp là 200.000 đồng, tổng cộng là hơn 800.000 đồng,  nhưng tôi vẫn làm vì tôi biết thời điểm đó Công ty Chứng khoán Bản Việt là một trong những công ty hàng đầu thị trường về thu hút vốn DN VN, đây là công cụ ngắn nhất để nắm kinh tế DN VN sau 10 năm xa đất nước. Cũng may là thời điểm đó bùng nổ chứng khoán tôi có thu thập được một số vốn, và tới năm 2007 tôi tham gia phụ trách giám đốc tư vấn cho các tổ chức nước ngoài tại VN. Năm 2011 tôi trở thành phó tổng giám đốc của ngân hàng Bản Việt.

 

Ông Phạm Duy Doanh – Trưởng Cơ quan Đại diện báo Diễn đàn Doanh nghiệp phía Nam, Trưởng ban Tổ chức Khởi Nghiệp phía Nam tặng hai khóa đào tạo khởi nghiệp cho ông Nguyễn Ngọc Anh, Bí Thư Đoàn Trường ĐH Mở Tp Hồ Chí Minh.

Doanh nhân Lê Chí Hiếu: Khi còn là sinh viên chúng tôi không có đủ điều kiện như bây giờ,  khi mà gia đình cũng nghèo, con cái đông, đi học phải đi bộ từ chợ Bà Chiểu tới đường 3-2 bây giờ một ngày mấy lần. Đầu tiên tôi làm ngân hàng, năm 32 tuổi, UBND huyện Thủ Đức giao cho tôi phụ trách một bộ phận thuộc phòng kế hoạch của huyện. 5 năm sau huyện lại điều động qua công ty phát triển nhà thủ đức. Năm 90 điều tôi qua chức vụ quản lý. Do có bột nên tôi gột nên khá nhiều hồ. Đến năm 2000 cổ phần hóa thì lúc đó có 400 triệu đồng tới 2001 là 15 tỷ hiện nay tổng tài sản khoảng hơn 2.000 tỷ với 8 công ty thành viên và năm 2010 qua Mỹ thành lập một công ty thủ đức house tại Mỹ.

 

 

Sau phần trải lòng của các doanh nhân, sinh  viên Lê Hồng Gia Bảo, năm 3 trường ĐH Mở hỏi: Em cũng đã từng kinh doanh tại trường ĐH mở nhưng khó khăn ở chỗ là không có biết được khả năng tiềm ẩn của khách hàng , em muốn các anh chia sẻ kinh nghiệm thực tế để biết được khả năng tiềm ẩn của khách hàng của mình?
Ông Nam trả lời: Để phát hiện ra khả năng tiềm ẩn của thị trường không hề đơn giản, tuy nhiên khi thu nhỏ thị trường đối với khách hàng là học sinh, SV, các bạn có thể nhắm vào những nhu cầu đơn giản trong sinh hoạt, văn hóa của chính mình và cộng đồng xung quanh. Chẳng hạn như nhu cầu có những món quà lãng mạn nhưng giá thành phải rẻ, và để tiến hành phân phối sản phẩm, bạn có thể liên hệ với công đoàn các trường hoặc các tổ chức thuộc nhà trường, đề nghị hỗ trợ trong việc giới thiệu sản phẩm qua đó khuyếch trương tốt hơn. Đó cũng có thể là một mô hình khởi nghiệp đơn giản. Các bạn đừng quá nôn nóng mà hãy liên hệ với một số tổ chức như VCCI, thông qua đó các chuyên gia có thể hướng dẫn hỗ  trợ cho các bạn, tránh rủi ro khi khởi sự một mình!

Ông Hiếu: Tiềm ẩn nghĩa là nó trốn, muốn tìm được thị trường thì phải đặt mình vào trong người tiêu thụ mới tìm được nó,  cảm nhận được cái gì chưa thỏa mãn và cái gì mình cần mơ tới để làm cho nó khác đi. Vì vậy mà các bạn phải nhạy cảm và có tầm nhìn. Bất kỳ những người nào làm DN thành công đều có trực giác rất tốt để đánh hơi được rủi ro cũng như đánh hơi được cơ hội.
Đỗ Xuân Tùng, SV năm 2 có câu hỏi dành riêng cho ông Hiếu:  Thị trường bất động sản gần đây bị đóng băng vậy thì yếu tố gì để giúp cho DN của anh vượt qua được khó khăn và yếu tố cốt lõi là gì?

Ông Hiếu: trong cái cốt lõi không có nghĩa là chỉ là làm mỗi một việc mà là làm nhiều việc có sự kết nối với nhau. Trong bất động sản làm các dự án, có nhiều loại dự án,có dự án đất nền,có dự án nhà cao tầng, căn hộ có loại cao cấp, bình dân nhưng nhiều dự án như trường học… chúng tôi có phát triển chợ đầu mối Tam Bình theo sự chỉ đạo của TP thì làm luôn dịch vụ thương mại như kho bãi, Cty quản lý chợ… khi làm các dự án chung cư cao tầng thì chúng tôi mở thêm các công ty dịch vụ vệ sinh, quản lý phòng… tức là làm đa dạng hóa, đa dạng hóa nhưng phải nằm trong tầm tay chứ không được quá xa rời mà dựa trên những yếu tố có sẵn. Vì thế mặc dù kinh tế có khó khăn nhưng ThuDucHouse vẫn vượt qua được.

Lê Văn Đồng, khoa kinh tế trường đại học mở TP HCM đưa ra trăn trở:  Sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường muốn xin vào các DN thì đại đa số các DN muốn kinh nghiệm,  vậy chúng em phải làm sao để có kinh nghiệm cũng như đáp ứng được yêu cầu của DN?

 

Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn: Đúng là thực tế hiện nay các DN tuyển dụng thường yêu cầu SV phải có kinh nghiệm làm việc. Tôi cũng đã từng có bài học như thế và bài học ấy tôi đã từng trải qua trong đợt tuyển dụng cách đây 40 năm. Sau khi cầm hồ sơ đi nộp vài nơi để xin việc làm tôi mới nghiệm ra được không phải có cái bằng mang đi nộp là được làm lãnh đạo ngay lập tức. Cái bằng của mình chỉ chứng nhận mình đã trải qua về mặt lý thuyết cũng như củng cố cho việc học của mình. Bởi vậy chúng ta không nên xin việc cao, chúng ta hãy bắt đầu bằng những việc thấp, đi từng bước, vừa học vừa làm có kinh nghiệm rồi sau đó hãy nghĩ tới những công việc có chức vụ cao hơn. Sắp tới chúng tôi sẽ mở thêm 400 cửa hàng tại VN nên rất có nhu cầu tuyển sinh viên làm bán thời gian.
Không có nghề nào là xấu chỉ có người xấu. Chúng ta đừng có sợ người khác đánh giá mình nghèo hay làm những việc nhỏ, những việc có vẻ nhếch nhác… chúng ta hãy dứt bỏ mặc cảm của mình. Các bạn sinh viên sắp ra trường hãy làm thêm và xin giấy xác nhận tại nơi đã từng làm thì sau này khi ra trường sẽ có cơ hội được nhận vào làm việc cao hơn những bạn chỉ có tấm bằng mà chưa bao giờ đi làm.

 

 

Nguyễn Thanh Tú, sinh viên năm 1 trường ĐH Mở: Khi người ta bước vào con đường khởi nghiệp thì cần 3 yếu tố để xác định mục tiêu: nghĩ cần trở thành ông chủ, thứ 2 là họ nghĩ họ tài giỏi hơn bất cứ ai khác kể cả là ông chủ, thứ 3 là chúng ta sẽ phải bắt đầu từ đâu khi chúng ta chỉ có 2 bàn tay trắng?

Anh Nam: Dĩ nhiên là chúng ta ai cũng muốn học xong ra trường là được làm chủ,  không ai muốn làm tớ. Nhưng kinh nghiệm của tôi chúng ta phải lập được nền tảng là tài chính, mối quan hệ… SV mới ra trường muốn khởi nghiệp ngay thì rất là khó. Ngay bản thân tôi khi mới ra trường mặc dù có nhiều ý tưởng nhưng tôi vẫn đi làm thuê cho Công ty tài chính. Từ năm 2006 tới nay tôi cũng đang xây dựng nền tảng tài chính, thương trường và quan hệ để sau này khi tôi làm DN riêng thì vững vàng hơn. Các bạn đừng quá nôn nóng mà  hãy liên hệ với một số tổ chức như VCCI thông qua VCCI họ có thể hướng dẫn hỗ  trợ cho các bạn, chứ bạn làm một mình rất rủi ro.

 

Doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn: Nơi có tiền nhiều nhất là các ngân hàng mà ngân hàng lại luôn luôn cho vay với điều kiện lãi suất, điều kiện thế chấp… thì không bao giờ các bạn có 1 dự án tốt được ngân hàng cho vay. Hiện tại bất cứ công tư nào thành công cũng đều phải trích ra một tỷ lệ đóng góp cho xã hội hàng 10 tỷ, 100 tỷ/năm . Chúng ta chỉ cần trích 1 phần nhỏ trong đó để tạo vốn cho các em khởi nghiệp sẽ dễ dàng hơn.


Ông Nam: Hàng năm ngân hàng chúng tôi cũng có trích ra một khoản vốn hỗ trợ xã hội. Chúng tôi đã ký cam kết với Trung ương đoàn trong vòng 5 năm tới sẽ hỗ trợ một số tiền tương đương 1 tỷ/năm để hỗ trợ các bạn sinh viên nghèo trên cả nước. Nếu các bạn có dự án hay có thể liên hệ với ngân hàng bản việt chúng tôi hoặc với Trung ương đoàn để nhận được sự hỗ trợ.

 

Nguyễn Thu Thảo, SV năm 3 lại nhờ các doanh nhân tư vấn về những sai lầm mà bạn trẻ thường gặp khi khởi nghiệp?

Ông Nam bày tỏ: Các bạn trẻ hay háo thắng và băn khoăn giữa làm công hay làm chủ nên chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về tài chính… thường phát sinh ý tưởng theo số đông mà không có sự nghiên cứu quá trình kinh doanh cặn kẽ.

Ông Hiếu: “Trong một DN có rất nhiều con người, mỗi người có cá tính khác nhau, muốn thành công phải tìm hiểu được con người và sự hiểu biết của mình về mỗi con người khác nhau. Tuổi trẻ thường thấy gì cũng “nhào dzô” nhưng thiếu kiên trì nên hay ngựa non háu đá. Các bạn cũng hay dễ nản lòng nên khi gặp môi trường khó khăn là dễ bỏ ngang, chán nản. Trong kinh doanh, yếu tố may mắn đóng vai trò quan trọng nhưng nó lại là kết quả của một loạt các nguyên nhân tạo ra yếu tố. Bạn sẽ không nhìn và sẽ không thấy phụ thuộc may mắn nếu bản thân luôn tìm hiểu nắm bắt các yếu tố tạo ra may mắn. Để trở thành một doanh chủ có uy tín, người lãnh đạo cũng phải truyền được cảm hứng cho nhân viên bằng việc truyền đạt rõ ràng, mục tiêu lý tưởng, khuyến khích động viên dẫn dắt mọi người đi theo”.

 

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn dẫn câu chuyện về bà tỷ phú rác thải giàu nhất Trung Quốc- có tài sản hàng tỷ USD để chia sể về kinh nghiệm làm giàu : “Chúng ta hãy bắt đầu bằng những việc thấp, đi từng bước, vừa học vừa làm để tích lũy kinh nghiệm. Không có nghề nào là xấu, chỉ có người xấu. Chúng ta đừng sợ người khác đánh giá mình nghèo hay làm những việc nhỏ, những việc có vẻ nhếch nhác… Chúng ta hãy dứt bỏ mặc cảm của mình. Có thể học những tấm gương khởi nghiệp đi lên từ nghề ve chai, nhặt rác như một nữ tỷ phú rác thải giàu nhất Trung Quốc. Tích tiểu thành đại, các bạn sẽ thành công! Riêng với các doanh nghiệp công, tư đang thành công, nếu ai cũng trích ra một tỷ lệ nhỏ đóng góp cho xã hội 10 tỷ, 100 tỷ/năm, chúng ta chỉ cần trích 1 phần rất nhỏ trong đó trong phần đóng góp xã hội đó để tạo vốn cho các bạn trẻ khởi nghiệp, thì đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bạn khởi nghiệp dễ dàng hơn”.

 

Trước câu hỏi: Thành công trong kinh doanh phải do những nỗ lực bản thân mình cố gắng nhưng sự may mắn cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Vậy nếu không có may mắn thì sự thành công cho một DN là bao nhiêu? Và nếu như tự tạo điều kiện cho mình để thành công thì phải như thế nào?

Ông Hiếu giải đáp: Nếu không có may mắn thì có nghĩa là rủi ro. Yếu tố may mắn rõ ràng đóng một vai trò nhưng nó lại là kết quả của một loạt các nguyên nhân để tạo ra yếu tố may mắn đó. Trong kinh doanh bạn sẽ không nhìn và sẽ không thấy may mắn nếu bản thân luôn tìm hiểu nắm bắt… yếu tố may mắn đó chỉ là kết quả kinh doanh hoặc thấy được cơ hội.

Còn làm thế nào để có được niềm tin theo tôi là mình cứ lấy uy tín bản thân mình ra để thuyết phục thôi chứ không có cách nào khác. Người lãnh đạo có vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền cảm hứng cho nhân viên bằng việc truyền đạt rõ ràng, mục  tiêu lý tưởng, khuyến khích động viên dẫn dắt mọi người đi theo chúng ta.

Một sinh viên hỏi:  Em đã từng 2 lần khởi nghiệp và quyết định khi ra trường sẽ đi theo niềm đam mê thì và hiện tại em vẫn có đủ khả năng thì nên đi làm thuê rồi làm chủ, hay là bắt tay vào thực hiện ước mơ làm chủ?

Ông Nam: Theo tôi bạn nên bắt đầu với công việc đang tạo doanh thu cho bạn để ổn định tài chính cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm. Sau đó qua quá trình làm việc, giao tiếp bạn sẽ có ý tưởng khác hơn cũng như nguồn tài chính lớn hơn thì bắt đầu khởi nghiệp.

Ông Hạnh Nguyễn nói: Ước mơ không  tính phí nên ai cũng có quyền mơ ước hết. Hãy biết ước mơ và nuôi lớn ước mơ đó. Thời nay khi internet đã phổ cập là một kênh liên lạc thuận tiện để ngồi từ VN, bạn  có thể liên hệ ra toàn cầu. Các bạn hãy nghĩ ra những dự án mà có thể tận dụng được internet để quảng bá thương hiệu của mình ra toàn cầu.
 
Tại đêm giao lưu, các bạn trẻ đã được các doanh nhân thành đạt chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm vô cùng quý báu từ sự dấn thân- từ những bước đi đầu tiên đầy chông gai của mình trên con đường khởi nghiệp. Cũng tại đêm giao lưu đầy ý nghĩa này, doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã trao tặng cho Quỹ hỗ trợ Khởi nghiệp của chương trình Khởi nghiệp 100 triệu đồng, tặng Qũy hỗ trợ Sinh viên Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh 100 triệu đồng. Doanh nhân Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức – ThuDucHouse cũng tặng Quỹ hỗ trợ Khởi nghiệp 100 triệu đồng; Ngân hàng Bản Việt cũng công bố 10 suất học bổng dành cho các bạn sinh viên học giỏi và Đoàn viên xuất sắc của Trường ĐH Mở Tp HCM, Tổng trị giá 5 triệu đồng, tương ứng mỗi phần học bổng là 500 ngàn đồng với hình thức mở tài khoản cho các bạn tại ngân hàng Bản Việt. Tấm lòng cao cả của các doanh nhân dành cho chương trình đã nhận được những tràng pháo tay dài không dứt từ phía các khách mời và hơn 500 sinh viên.
 
 
Sau gần 3 giờ đồng hồ sôi động, Chương trình Giao lưu khởi nghiệp 2012 tại TP.Hồ Chí Minh đã khép lại nhưng “lửa” từ buổi giao lưu vẫn còn âm ỉ cháy trong lòng các bạn sinh viên đã tham dự đêm giao lưu này. Các doanh nhân thành đạt đã thắp lên ngọn lửa doanh chủ tương lai trong lòng mỗi một sinh viên khi họ đang còn ngồi trên ghế giảng đường. Anh Nguyễn Ngọc Anh, Bí thư Đoàn trường ĐH Mở Thành phố Hồ Chí Minh ngay tối hôm đó, đã chia sẻ: “Các bạn sinh viên và Nhà trường vô cùng cảm kích trước nghĩa cử của các doanh nhân, cũng như của Ban Tổ chức. Đặc biệt, các bạn sinh viên đều chờ đợi kế hoạch cụ thể mà Ban Tổ chức Khởi Nghiệp đưa ra tới đây để được tham dự 2 khóa đào tạo Khởi sự Doanh nhân mà Ban Tổ chức đã trích Quỹ hỗ trợ Khởi nghiệp trao tặng ngay tại Lễ giao lưu. Tin rằng, năm 2013 và những năm tới đây, Đoàn trường ĐH Mở nói riêng và các đoàn viên Đoàn TNCS HCM, các sinh viên trên địa bàn Tp Hồ Chí Minh sẽ còn mong đợi và tích cực đón nhận những chuỗi hoạt động của chương trình Khởi Nghiệp hơn nữa, cũng như, mong đợi và nỗ lực để xứng đáng với sự động viên, khích lệ, đồng hành hết mình của các doanh nhân thành đạt trong thế hệ cha, anh đi trước”.
(Nguồn: Báo diễn đàn Doanh nghiệp)