»Sự kiện »Đối thoại với Giáo sư Ngô Bảo Châu

Đối thoại với Giáo sư Ngô Bảo Châu


Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam - Cơ hội nghe Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ về phương pháp học tập: 

Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà toán học người Việt Nam đoạt giải thưởng Fields năm 2010 thuộc Đại học Chicago, sẽ giảng về chủ đề “Phương pháp học tập” tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và tại Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

Đó là thông tin được công bố tại buổi họp báo về Chương trình “Cầu nối – Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ 4 tại Đông Nam Á diễn ra chiều ngày 12/3/2013, tại Hà Nội.

Theo đó, Giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ đến Hà Nội vào ngày 13/3/2013 và Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 14 và 15/3/2013 để tham dự chuỗi sự kiện “Cầu nối – Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ tư tại Đông Nam Á.

Trong chuyến thăm này, giáo sư sẽ giảng về chủ đề “Phương pháp học tập” vào 2 giờ chiều, ngày 13/3/2013 tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và ngày 15/3/2013 tại Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. Ông cũng sẽ gặp mặt học sinh trường Quốc tế Anh vào sáng ngày 15/3/2013.

 Theo Ban Tổ chức, Giáo sư Ngô Bảo Châu là nhà khoa học thứ năm đến thăm Việt Nam trong khuôn khổ chương trình “Cầu nối” lần thứ tư tại Đông Nam Á, sau chuyến thăm của giáo sư Roger B.Myerson, đoạt giải Nobel Kinh tế, giáo sư Haraldzur Hausen, đoạt giải Nobel Y học, giáo sư Douglas D. Osheroff, đoạt giải Nobel Vật lý, và giáo sư Sir Harold W. Kroto, đoạt giải Nobel Hóa học, trong thời gian từ tháng 11/2012 đến tháng 1/2013.

Chương trình “Cầu nối – Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ tư tại Đông Nam Á nối tiếp sự thành công của chuỗi 450 sự kiện “Cầu nối” của Quỹ Hòa bình Quốc tế được tổ chức tại Thái Lan, Philippines, Malaysia và Campuchia từ năm 2003. Tham dự chương trình đã có 38 người đạt giải Nobel, 18 diễn giả và các nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực.

Các chủ đề của chuỗi sự kiện sẽ nằm trong khuôn khổ nội dung “Xây dựng văn hóa hướng tới hòa bình và sự phát triển của một thế giới toàn cầu hóa” và một loạt các vấn đề đa dạng như: chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa và báo chí. 

Mục tiêu của “Cầu nối” là tạo điều kiện tăng cường đối thoại và thông tin liên lạc giữa các nền văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo trong khu vực Đông Nam Á và với các nước trên thế giới, thúc đẩy sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, thiết lập mối quan hệ lâu dài trong việc hợp tác những chương trình nghiên cứu chung và các chương trình khác. Với mục tiêu nâng tầm kiến thức khoa học, công nghệ và giáo dục thành cơ sở cho hòa bình và phát triển, các sự kiện “Cầu nối” sẽ giúp tăng cường sự hợp tác hướng tới hòa bình, tự do và an ninh trong khu vực, cùng sự tham gia tích cực của các thế hệ trẻ - tương lai của Đông Nam Á. 

“Cầu nối” được tổ chức như một chuỗi hội thảo liên tục, thay vì một sự kiện đơn lẻ. Tất cả các sự kiện “Cầu nối” đều mở cửa tự do và miễn phí cho công chúng tham gia. Hoạt động này nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà tài trợ, trong đó nổi bật nhất là Hiệp hội Jackie Chan, Công ty BMW Euro Auto, khách sạn Hilton Hanoi Opera, Moevenpick Saigon Hotel

(Nguồn: Kim Thanh,http://dangcongsan.vn)

Có niềm đam mê đã khó, nuôi dưỡng còn khó hơn - Báo Thanh niên: 

Hội trường Trường ĐH Mở TP.HCM, chiều 15.3.2013, rất đông người dự nhưng hoàn toàn tĩnh lặng khi GS Ngô Bảo Châu bắt đầu nói về cách nuôi dưỡng niềm đam mê. Ông chia sẻ: “Có niềm đam mê đã khó nhưng giữ được niềm đam mê càng khó hơn. Ở mỗi người, sự đam mê hoặc chán nản là những chu kỳ sinh học bình thường. Nhưng nếu chán nản mà buông tay thì thật đáng tiếc vì khi đó rất khó để quay lại với sự đam mê”. Theo GS Châu, để nuôi dưỡng đam mê trước hết phải trung thực với người khác và bản thân mình, phải có tình yêu sự thật, hướng thượng, hướng thiện và luôn tìm tòi cái mới. Đặc biệt, GS Châu nhấn mạnh niềm đam mê cần phải đi liền với tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, cần có tập thể và tổ chức. Quan điểm này của GS Châu ngay lập tức nhận được phản biện của SV Dương Chí Long (Trường ĐH Tân Tạo). SV này đặt vấn đề: “Học tập cần có tập thể để duy trì nỗ lực, điều này có phủ nhận sự phấn đấu nỗ lực của bản thân?”. Thích thú với phản biện này, GS đáp lại: “Tôi đồng ý sự nỗ lực của bản thân là quan trọng nhất với mỗi người. Nhưng bản chất con người là yếu đuối nên cần phải có tập thể, hay chính là tính kỷ luật mới giúp nuôi dưỡng đam mê”.

 Kiến thức “sống” sẽ tồn tại bền vững: Dù đã được chia sẻ nhiều lần, nhưng kinh nghiệm học tập của nhà toán học tài ba này vẫn là điều nhiều SV muốn biết. SV Đặng Thảo Trâm (ĐH Mở TP.HCM) quan tâm làm sao để học tập hiệu quả trong thời gian ngắn. GS Châu chia sẻ: “Mỗi khi tiếp xúc với vấn đề mới trong toán học, tôi thường bị choáng ngợp. Khi đó tôi tự nhủ rằng bản chất kiến thức không quá khó. Trong mỗi môn học chỉ có vài khái niệm cơ bản nhất và cái quan trọng là hiểu thấu đáo được vài khái niệm đó. Mỗi người cần học cho mình kỹ năng học tập, làm việc, kỹ năng tư duy, tính toán...”.

Có lẽ ấn tượng nhất với nhiều SV trong buổi trao đổi là ý niệm của GS Châu về kiến thức: “Trong đầu con người có 2 loại kiến thức “sống” và “chết”. Kiến thức “chết” được dùng để học bài, thi cử và ta sẽ nhanh chóng quên đi. Kiến thức “sống” do vật lộn, tìm tòi, sống và trải nghiệm với nó nên sẽ không bao giờ quên. Do vậy, kiến thức nhớ hay quên chỉ đơn thuần là đã thực sự trải nghiệm với nó hay chưa”.

(Nguồn: Báo Thanh Niên - Như Lịch - Hà Ánh).

Báo VietNamnet:

Tại buổi gặp gỡ SV Trường Đại học Mở TP.HCM - GS Ngô Bảo Châu tiếp tục có những trao đổi xung quanh nhiều vấn đề về rèn luyện kĩ năng, học trung thực và sự nỗ lực cá nhân để hoàn thiện mình.

SV có quá ít các hoạt động tập thể: Đó là nhận định của GS Ngô Bảo Châu trước hàng ngàn SV ĐH mở TP.HCM. Theo GS, khi thiếu kĩ năng tranh luận, nếu bắt đầu tranh luận các bạn có thể lúng túng, “ngộp” và sẽ bị chi phối bởi kĩ năng xúc cảm, việc tranh luận sẽ không đi đến một điều tốt đẹp nào cả. Buổi tranh luận chỉ có giá trị khi mỗi SV suy nghĩ trước, chuẩn bị những ý kiến để tranh luận và có thể khẳng định được ý kiến của mình đó mới là tranh luận thành công.”

GS Ngô Bảo Châu kể câu chuyện của chính con gái mình: “Tôi khá thú vị khi cô bé thứ 2 đi học ở trường, mặc dù mới học cấp ba nhưng cháu được nhà trường cho chọn một danh sách có khoảng 30 vấn đề khá phức tạp về chính trị xã hội như quyền con người, bảo vệ môi trường, tự do, công bằng… Từ đề tài đó cháu đó thể học, tìm tài liệu, đưa ra những ý kiến nhỏ, tổng hợp thành bài và viết ra ý kiến của mình.

 Theo GS, chúng ta hãy bắt đầu từ những nghiên cứu nho nhỏ, những thao tác nhỏ để sau này làm những việc có ý nghĩa thực sự. Học có lúc hăng say, lúc chán nản là chuyện bình thường. “Ngay bản thân tôi cũng có lúc hăng say, lúc chán” – GS nói.

“Khả năng thuyết phục của mỗi người được nhìn nhận khi tổ chức những nhóm, đặt ra những vấn đề thực sự, mỗi người tự đi tìm hiểu tài liệu và phải tranh luận với nhau. Trong tranh luận thì phải tôn trọng, trao đổi ý kiến để thấy rõ suy nghĩ của mình chủ quan đến đâu, tỏ ra thông minh hơn và hay hơn người khác đó là cách tạo được thuyết phục” – GS lý giải tạo kỹ năng thuyết phục.

 Công việc cần phải được tổ chức, những lúc chán nhất định không được buông tay. Có tổ chức, có tập thể, dù bạn chán nhưng mình vẫn phải chơi đó là trách nhiệm của mình. Để giữ được ngọn lửa đam mê, quyết tâm trong bản thân của mình, chúng ta phải đặt ra câu hỏi để tìm nội dung, đam mê, tình yêu sự thật và quan trọng nhất là luôn đi tìm cái mới của mình.

Học có định hướng, trung thực, không nên học thêm: GS Ngô Bảo Châu cho rằng, ai cũng sẽ bị choáng ngợp trước khối lượng kiến thức, mỗi người lại không có khoảng thời gian hữu hạn, để học hiệu quả trong một thời gian hạn chế là rất khó nhất nhưng bản thân kiến thức không khó.

“Mỗi một môn học đều có những kiến thức cơ bản và điều quan trọng là nắm thấu đáo kiến thức cơ bản đó, thực hành để nắm kĩ năng làm việc, kĩ năng tư duy, tính toán, phải hiểu những khái niệm lý thuyết và tập dượt làm việc thật”.

Phản bác lại ý kiến của một SV khi cho rằng trung thực trong học tập dường như mâu thuẫn với kết quả, khi nhiều SV nghiên cứu khoa học nhưng kết quả là công trình chỉ nằm trên giá, GS Ngô Bảo Châu thẳng thắn phản bác “Trung thực là kết quả của học tập. Một công trình một khoa học không nhất thiết phải mang ra ứng dụng. Nếu tất cả những công trình khoa học đều được mang ra ứng dụng thì gay to. Nếu các bạn nghiên cứu khoa học, thì mục đích là các bạn đang trưởng thành trong công trình đó, tất nhiên những trưởng thành này sẽ loại trừ sự gian dối”.

Theo GS, việc học trước hết là nhu cầu, tâm tư, công việc. Việc học cũng xuất phát từ câu hỏi, khi bản thân mình đau đáu vì một câu hỏi nào thì sẽ tìm về hướng đó, không nên có một lịch trình học cái nào trước, cái nào sau, cái nào quan trọng hơn.

“Đối với mỗi người nỗ lực bản thân là quan trọng nhất, nhưng bản chất của con người là yếu đuối, và cần tập thể để hoàn thiện chính mình, cần sự hỗ trợ của tập thể để học được. Bạn có thể học một bài giảng ở trên mạng nhưng chỉ xem khoảng 3 lần là chán, nhưng cũng bài giảng đó nếu bạn đến đúng giờ học trên lớp, nghe thầy giáo giảng, cuối giờ tóm tắt ý chính, trả lời câu hỏi của thì chắc chắn sẽ dễ hơn”

Trả lời thắc mắc của một SV nước ngoài về việc ở châu Á cũng như Việt Nam ngoài giờ học trên lớp HS ra còn học thêm, liệu có phải chương trình học của VN hiện tại có làm việc học hiệu quả hơn không trong khi chương trình của Châu Âu rất có giới hạn.

GS Ngô Bảo châu cho rằng, vấn đề không nằm ở chương trình mà do tâm lý của phụ huynh học sinh, ai cũng muốn cho con mình học. “Ra một số bài tập làm thêm, làm hơn một bài tập không làm ảnh hưởng đến tư duy đứa bé hơn là đưa bé ra ngoài tập thể, học ngoại khóa, học ở những chủ đề (có thầy hướng dẫn) có thời gian rõ ràng để học cách sống, cách làm việc, sống cùng nhau mới quan trọng.

(Nguồn: Lê Huyền - Báo VietNamnet)

Báo Đất Việt:

Chiều cùng ngày, GS đã dành 2 giờ chia sẻ cùng các bạn sinh viên trường ĐH Mở TP.HCM. Tiếp tục vấn đề thảo luận về việc "Học như thế nào?",GS Ngô Bảo Châu tâm sự: “Tôi không tham vọng trả lời thấu đáo câu hỏi này mà chỉ mong những trải nghiệm của bản thân sẽ giúp được các bạn trẻ phần nào trên con đường học tập”.

Trong buổi giao lưu, GS đã trả lời câu hỏi của bạn Nguyễn Thị Ngọc Vân về nhận xét của mình đối với SV Việt Nam, GS cho biết: “Các bạn ít có cơ hội hoạt động tập thể, mà ở đó, việc tranh luận sẽ rèn cho mình những kỹ năng rất có lợi trong học tập, nghiên cứu khoa học”.

 Theo GS, nếu không có kỹ năng tranh luận, người ta sẽ bị chi phối bởi xúc cảm và việc tranh luận chỉ dẫn đến sự giận dữ. Tự nhận mình không có bí quyết học tập mà chỉ có niềm say mê, GS Châu cho biết: “Khi mở một cuốn sách có nhiều kiến thức rất khó, tôi tự nhủ do người viết sách tồi và phải làm sao để viết lại sách. Khi nghiền ngẫm việc đó, tôi đã dần hiểu được nội dung trong sách”.

GS Châu nhắn nhủ với các SV: “Việc học bao giờ cũng xuất phát từ một câu hỏi. Vì vậy, đọc một quyển sách khoa học dễ hơn nhiều nếu xuất phát từ những câu hỏi” Nguyễn Phạm (Tổng hợp theo VNE, NLĐ).

Hoàng Mạnh Dũng (Trưởng phòng HC-QT tổng hợp)

 

Một số hình ảnh của sự kiện:

GS. Ngô Bảo Châu và Ngài Uwe Morawetz: Chủ tịch Quỹ Hòa bình Quốc tế

đến làm việc với CBVC và sinh viên Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh

(Ngày 15 tháng 03 năm 2013).

PGS.TS Lê Bảo Lâm – Hiệu trưởng trân trọng trao “Danh hiệu Tiến sĩ danh dự”

của Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh đến GS. Ngô Bảo Châu

(Ngày 15 tháng 03 năm 2013).

GS. Ngô Bảo Châu thuyết trình chủ đề: “Học như thế nào” do Quỹ Hòa bình Quốc tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo

tổ chức tại Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh (Ngày 15/03/2013).

Buổi đối thoại giữa GS. Ngô Bảo Châu và sinh viên do Quỹ Hòa bình Quốc tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo

tổ chức tại Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh (Ngày 15/03/2013).